Công ty TNHH Cung Ứng Lao Động Tâm Đức

Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Tây Nam bộ Bài cuối Lượng hóa chính sách phù hợp

06/09/2021

Chính sách công tác cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện quyền bình đẳng của các dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị. Tuy nhiên, trên nền tảng của các thể chế đã được xây dựng, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới phát triển đất nước, chính sách này cần có những thay đổi căn cơ để phát triển vùng đồng bào dân tộc.

Vận dụng linh hoạt những thể chế sẵn có

Trao giấy chứng nhận cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng hoàn thành lớp đào tạo tiếng Khmer. Ảnh: Lý Then

Để phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng cán bộ là người DTTS trong thời gian tới, quan điểm chủ trương của Đảng đã được thể chế khá toàn diện qua các kết luận, chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện của các địa phương. Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Trà Vinh tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS ở nơi có đông đồng bào DTTS. Trà Vinh sẽ đánh giá một cách khách quan đội ngũ cán bộ người DTTS hiện có để xác định các chủ trương, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài”.

Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng: Giải pháp nâng cao nhận thức về vấn đề dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực thi chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS cần được xem là nhân tố có tính quyết định. Các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, đãi ngộ, đề bạt, cất nhắc và các hoạt động nghiệp vụ thường xuyên gắn với việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá cụ thể cần được chú trọng đúng mức. Các địa phương cần rà soát, cập nhật văn bản chỉ đạo hiện hành để cụ thể hóa chỉ tiêu, tiêu chí, tỷ lệ, loại hình hoạt động sát với yêu cầu thực tế của địa phương. Thống kê, cập nhật đội ngũ cán bộ người DTTS từng cấp, lĩnh vực, địa bàn cụ thể để có cơ sở điều chỉnh, bổ sung, tăng cường, luân chuyển và xây dựng các kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt cất nhắc cho phù hợp với quy định chung và thực tế của địa phương.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tiếp tục đúc kết, rút kinh nghiệm và phát huy những kết quả đã đạt được trong phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Đó là phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần mẫu mực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Bố trí cơ cấu hợp lý, quy hoạch đội ngũ cán bộ đúng tầm, chọn được người có đức, có tài là cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị các cấp. Đặc biệt, trong xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, cần chú trọng việc thể chế hóa chủ trương thành chính sách khả thi, có tiêu chí cụ thể gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Hằng năm, cần dành phần ngân sách, tỷ lệ biên chế nhất định để đưa cán bộ người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng sau đào tạo. Đặc biệt là có giải pháp phù hợp để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo động lực phấn đấu vươn lên, thu hút người có tài vào các cơ quan của hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ người DTTS.

Xây dựng đội ngũ kế thừa một cách bài bản, căn cơ

Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng, là nơi tạo nguồn cán bộ Khmer cho tỉnh. Ảnh: Lý Then

Xây dựng đội ngũ kế thừa là bài toán khá nan giải của nhiều địa phương trong thực hiện chính sách công tác cán bộ người DTTS. Thời gian qua, hệ thống trường lớp vùng đồng bào dân tộc không ngừng được mở rộng, xây dựng kiên cố và hiện đại từ mầm non đến phổ thông. Đặc biệt, ở vùng có đông đồng bào DTTS đều có trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo chăm lo việc ăn ở, học hành của học sinh dân tộc. Sau tốt nghiệp THPT, học sinh DTTS có thể tiếp tục học ở bậc học cao hơn tại tất cả các trường đại học, cao đẳng trong vùng. Riêng Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Trà Vinh còn có những ưu đãi đặc thù, các ngành học riêng dành cho sinh viên DTTS. Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, cho biết: Sóc Trăng đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các trường dân tộc nội trú phủ khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hằng năm, các huyện đều có văn bản gửi đến UBND tỉnh để tuyển sinh nhằm đào tạo nguồn cán bộ Khmer ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã thống nhất Đề án đầu tư khu V - Trường Đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng. Đây sẽ là nơi đào tạo nguồn cán bộ, nhất cán bộ người Khmer để cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh.

Theo quy định của Trung ương, đối với các xã, phường có trên 30% dân số là người dân tộc Khmer thì bố trí hợp lý cán bộ người Khmer vào cấp ủy, cán bộ chủ chốt. Ông Lâm Tiến Thạch, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết: Để có đủ nguồn cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các địa phương cần chú trọng xây dựng đề án, phương án quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí hợp lý. Hiện nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng tham mưu Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ này, xây dựng Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ người Khmer có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer. Khi Đề án được triển khai thực hiện, Sóc Trăng có thể đảm bảo đủ nguồn cán bộ đạt chuẩn theo quy định để cơ cấu, bố trí vào các cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt ở các sở ban ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố sẽ gắn công tác tuyển dụng với sử dụng có hiệu quả cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, nhất là đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý. Thành phố đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS theo quan điểm “vì công việc chọn người đào tạo chứ không vì người mà chọn nội dung đào tạo”.

Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, đề xuất: Nên chăng, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống có chế độ ưu tiên hoặc đề ra chỉ tiêu cụ thể trong việc tuyển dụng hoặc tuyển công chức là người DTTS là dự nguồn cho cán bộ người DTTS sau này. Trên hết, Trung ương nên tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt cất nhắc đội ngũ cán bộ DTTS các cấp sao cho các quy định được cụ thể hóa, đào tạo gắn với sử dụng, chỉ tiêu được định lượng trong thi tuyển, cử tuyển, xét tuyển, đề cử, ứng cử bầu vào cấp ủy, cơ quan dân cử là người DTTS.

***

Đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS nói riêng là quá trình thường xuyên, liên tục. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS cần có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp, nhất là cần tạo môi trường, cơ hội để cán bộ DTTS vươn lên bởi sự hiểu biết và trách nhiệm của đội ngũ người DTTS là yếu tố cần thiết để thúc đẩy quá trình xây dựng năng lực nội sinh vùng đồng bào DTTS, cũng như hiệu quả của việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào và phát triển vùng đồng bào dân tộc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Nhóm PV Báo Cần Thơ Khmer ngữ


Bài viết khác
Đối tác của chúng tôi
©Copyright by Tâm Đức Group - 2020. All right Reserved. Designed by Vicogroup.vn

0906.23.29.27

Chat Zalo