Công ty TNHH Cung Ứng Lao Động Tâm Đức

Thấy gì từ những con số (bài 3)

05/09/2021

Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, thu nhập không ổn định của lao động người DTTS càng làm cho mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở vùng DTTS và miền núi thêm nhiều áp lực. Do đó, việc xây dựng chính sách giải quyết việc làm trong thời gian tới phải chú trọng đến mục tiêu giải quyết sinh kế, bảo đảm thu nhập cho lao động người DTTS.

Bài 3: Cần lời giải cho bài toán “sinh kế”

Có việc làm nhưng thu nhập thấp

Thu nhập thấp, công việc không ổn định của lao động người DTTS là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo người DTTS hiện chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước. Trong khi đó, để nâng cao thu nhập nhằm vượt ngưỡng nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ thì lao động người DTTS đang thiếu rất nhiều điều kiện cần thiết.

Bảo đảm sinh kế là lời giải để giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10-6-2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” của Ủy ban Dân tộc (gọi tắt là báo cáo 732), đến hết năm 2020, trong hơn 14,2 triệu người DTTS trên cả nước, có khoảng 8,03 triệu người từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ có việc làm đạt 86,1%. Nhưng thực tế, “có việc làm” lại không đồng nghĩa với việc lao động người DTTS có thu nhập ổn định, chứ chưa nói là có thu nhập cao.

Theo thông tin từ Ủy ban Dân tộc, hiện nay, thu nhập bình quân của lao động người DTTS đã tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, vẫn chỉ bằng 0,3 lần so với bình quân chung cả nước. Điều đáng quan tâm là tính ổn định trong việc làm của lao động người DTTS. Số liệu trong báo cáo 732 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động người DTTS hiện ở mức 5,76%, cao gấp 2,5 lần so với bình quân chung cả nước (2,34%).

Thực trạng có việc làm nhưng thu nhập thấp, lại bấp bênh của lao động người DTTS xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do tính chất của “việc làm” mà lao động người DTTS tham gia. Lâu nay, đại đa số lao động người DTTS đều có việc làm trong khu vực nông, lâm, thủy sản. Đây là khu vực sản xuất muốn đạt được giá trị gia tăng cao nhất phải có đủ tư liệu sản xuất, nhất là đất sản xuất và trình độ canh tác. Nhưng phần lớn lao động người DTTS lại đang thiếu cả hai điều kiện này.

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, trong khoảng 8,03 triệu người DTTS tham gia lực lượng lao động thì có khoảng 68,6% là lao động giản đơn (tức là lao động mà bất kỳ người bình thường nào có khả năng lao động cũng có thể thực hiện được), chưa qua đào tạo; số lao động giản đơn người DTTS đại đa số làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản (92,2%).

Đó là chưa kể, số lao động người DTTS đã qua đào tạo chủ yếu trình độ sơ cấp. Theo báo cáo 732 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016-2020, có trên 800.000 lao động được hỗ trợ học nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 17-11-2009 (gọi tắt là Đề án 1956); nhưng trong đó, khoảng 412.000 người là đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng. Ngoài ra, hết năm 2020, vẫn còn gần 83.000 hộ người DTTS thiếu đất sản xuất.

Bài toán mang tên “việc làm”

Để giảm nghèo bền vững thì yêu cầu trên hết là phải bảo đảm sinh kế ổn định cho lao động người DTTS. Trong điều kiện khó giải quyết nhu cầu về đất sản xuất thì đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS là lời giải.

Thực tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS đã được triển khai từ nhiều năm qua, nhất là khi có Nghị định 05/2011/NĐ-CP. Nhưng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS chưa “trúng”, do khâu hoạch định chính sách chưa phù hợp.

Đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất để giúp hộ nghèo người DTTS có sinh kế. Trong ảnh: Mô hình bò giống luân chuyển do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang triển khai hiệu quả tại thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh: Tùng Nguyên

Cụ thể, trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 theo Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách dạy nghề chuyên biệt và giải quyết việc làm cho con em người DTTS (thuộc nhóm đề án “Giáo dục đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực). Nhưng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại đề nghị không thực hiện mà tích hợp vào chính sách dạy nghề gắn với việc làm chung của ngành.

Chính vì bỏ qua các yếu tố đặc thù, chuyên biệt nên lao động người DTTS chủ yếu chỉ được đào tạo nghề dưới 3 tháng; giáo viên dạy nghề gì thì học nghề đó, không gắn với đầu ra, không phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào. Hệ quả là, đại đa số lao động người DTTS vẫn chủ yếu làm việc giản đơn, thu nhập thấp, thoát nghèo thì lâu nhưng tái nghèo rất nhanh.

Còn với giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài được xem là định hướng quan trọng; nhưng kết quả thực hiện cũng không mấy khả quan. Theo báo cáo 732 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2009-2015, có 15.600 lượt người thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo để xuất khẩu lao động, nhưng chỉ có gần 6.200 lượt người đi làm việc tại các thị trường nước ngoài. Còn giai đoạn 2016-2019, trong 4.620 lao động được hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài thì chỉ có 2.117 lao động xuất cảnh.

Tương tự Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện Chiến lược công tác dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao xây dựng “Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình dạy nghề, phát triển ngành nghề truyền thống phù hợp, nâng cao thu nhập cho phụ nữ DTTS”. Nhưng đề án này cũng không thể thực hiện do chỉ tiêu, đối tượng thụ hưởng trùng với Đề án 1956 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Khả quan hơn là việc xây dựng Đề án: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ số thanh niên DTTS đang tại ngũ cho các DTTS dưới 10.000 người, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới” do Bộ Quốc phòng chủ trì. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, dù đề án đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ năm 2016, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thành hiện thực.

Đây rõ ràng là những hạn chế cần được lưu ý khi xây dựng chính sách để triển khai công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) phải có sự lồng ghép một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực mà vẫn không đạt mục tiêu đề ra.

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân người DTTS tăng gấp 4 lần so với năm 2020; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 70% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay.

Bài 4: Nỗ lực ứng phó thách thức “kép”

Tùng Nguyên


Bài viết khác
Đối tác của chúng tôi
©Copyright by Tâm Đức Group - 2020. All right Reserved. Designed by Vicogroup.vn

0906.23.29.27

Chat Zalo