Tạo sinh kế cho người dân về quê tránh dịch
THÁI LIÊN
Thứ Ba, 24-08-2021, 16:29
Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải ưu tiên tuyển dụng người dân Quảng Nam trở về.
Theo báo cáo của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực thực hiện khảo sát 4.140 doanh nghiệp (DN), với tổng số 332.301 người lao động (NLĐ). Kết quả, 125.277 NLĐ bị mất việc, tạm nghỉ, giãn việc. Bình Dương hiện có 50.000 DN với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do ảnh hưởng của dịch, số lượng lao động thất nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II/2021 là 28.364 người, tăng 15.938 người so quý I/2021.
NLĐ ở các tỉnh, thành phố phía nam phần lớn là người miền trung, Tây Nguyên và miền tây. Thực tế hiện các tỉnh này cũng đang phát triển mạnh mẽ, khu công nghiệp, DN sản xuất mọc lên nhiều, cần NLĐ. Đặc biệt, sau khi đón người dân về quê, các địa phương đều khẳng định sẽ tạo điều kiện việc làm cho NLĐ.
Tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương đã đón khoảng 5.000 người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trở về. Tỉnh đang tính cách giải quyết việc làm cho họ theo trình độ, nghề nghiệp, tạo điều kiện, giải quyết công ăn việc làm trước mắt và lâu dài. Công ty CP ô-tô Trường Hải (THACO) là DN đầu tiên thông báo ưu tiên tuyển dụng người dân Quảng Nam trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Khu công nghiệp THACO Chu Lai cũng cho hay NLĐ sẽ có nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thu nhập ổn định (từ 6 - 20 triệu đồng/tháng) tùy vào sức khỏe, kinh nghiệm và hiệu quả làm việc.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có hơn 7.200 cơ hội việc làm đang đợi người trở về từ vùng có dịch, đặc biệt là người có tay nghề. Nhiều công ty trên địa bàn tỉnh như Scavi Huế, Vinatex, Jointwell Việt Nam... đã có thư ngỏ mời những người trở về từ vùng dịch tham gia tuyển dụng sau khi hoàn thành cách ly y tế.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã giao Sở Xây dựng kế hoạch tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con từ các địa phương có dịch trở về quê đợt này. Sở đang tiến hành rà soát trong số hơn 18.000 người trở về Huế đợt này và sẽ giới thiệu công việc phù hợp tại các công ty, khu công nghiệp trên địa bàn, đồng thời có kế hoạch dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cấp tốc cho những người chưa có tay nghề. “Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức để sớm ổn định đời sống bà con trong giai đoạn khó khăn này. Việc quan tâm đến đời sống, việc làm của bà con trở về từ vùng có dịch cũng là một mục tiêu quan trọng được tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên giải quyết hàng đầu”, ông Phúc nói.
Tại Nghệ An, số lao động đi làm ăn xa trở về các địa phương trong tỉnh lên đến hàng nghìn người. Để tạo việc làm cho lao động hồi hương, tỉnh đang bổ sung các chính sách cụ thể trong tạo việc làm trước mắt và sinh kế lâu dài cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh tiếp tục thực hiện triển khai giao đất, giao rừng. Dự kiến đến năm 2023 sẽ thực hiện xong việc tạo quỹ đất sản xuất cho người dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có một số giải pháp giải quyết sinh kế cho người dân miền núi. Trong chương trình giảm nghèo bền vững, Sở NN&PTNT phối hợp Sở LĐ-TB&XH lồng ghép các giải pháp để hỗ trợ bà con. Ngành LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường các giải pháp để tăng số lượng lao động nội tỉnh lên. Theo đề án 5 năm tới, lao động nội tỉnh sẽ tăng từ 37% lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh; xuất khẩu lao động giảm một phần, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ.
Về cách giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid -19, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết, có sáu giải pháp quan trọng, đó là: Tăng cường kết nối cung cầu lao động; nâng cao chất lượng lao động, từ đó tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho lao động (kể cả lao động nông thôn, miền núi), dự kiến sẽ tăng năng suất lao động khoảng 15%; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thanh niên, sinh viên lập nghiệp; quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án của Nhà nước có định hướng phát triển kinh tế; hỗ trợ vốn, chính sách, chế độ như học nghề, chi phí xuất khẩu lao động; tăng cường các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo.
0906.23.29.27