Công ty TNHH Cung Ứng Lao Động Tâm Đức

Nhận thức rõ vai trò nữ giới ngành Công Thương

19/10/2021

Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng xây dựng gia đình và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thu hẹp khoảng cách giới

Theo số liệu từ Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), hiện biên chế công chức nữ của Bộ Công Thương hiện có 1.645 người, đạt tỷ lệ 25,64%. Viên chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương quản lý 147 người; trong đó nữ 22 người, đạt tỷ lệ 14,96%. Số lượng Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ là nữ hiện nay đã chiếm tỷ lệ 32,6%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 30%. Tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt cũng tăng từ 18,6% vào thời kỳ 2016 - 2017 lên đến tỷ lệ 24,2% vào năm 2020. 100% các đồng chí nữ ở trong quy hoạch đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, cũng như chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo.

Nhiều đề tài nghiên cứu của phụ nữ ngành Công Thương đã được ứng dụng vào thực tế

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương - cho biết: Trong giai đoạn 2011-2020, công tác bình đẳng giới đã thu nhận được những kết quả tích cực. Thông qua việc thực hiện hệ thống pháp luật, chính sách, chủ trương của Đảng kết hợp lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới, vấn đề nhận thức về bình đẳng giới ngành Công Thương đã góp phần thu hẹp khoảng cách giới nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. “Hiệu quả của công tác này, đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách về giới, qua đó, nhận thức xã hội được nhân lên” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá.

Kiến tạo môi trường bình đẳng

Ngày 10/8/2021 Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1947/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể.

Theo đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đạt 15% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030. 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện quy hoạch cán bộ đảm bảo đủ cơ cấu, tỷ lệ nữ.

Đối với lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, Bộ Công Thương đặt chỉ tiêu đảm bảo tỷ lệ lao động nữ được tuyển dụng mới đạt từ 50% trở lên; đảm bảo trên 80% tỷ lệ lao động nữ được bố trí, sử dụng đúng nguyện vọng, sở trường trong lĩnh vực công tác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương TRẦN QUỐC KHÁNH:

Ngoài việc tiếp tục hướng đến sự thay đổi nhận thức về công tác bình đẳng giới, ngành Công Thương cần nâng cao nhận thức của phụ nữ về vị thế, vai trò và quyền lợi của mình trong công việc cũng như trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Để đạt các mục tiêu trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từ cơ quan, đơn vị trực thuộc. Theo đó, Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch công tác nhằm phát huy tiềm năng, sáng tạo của phụ nữ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa nội dung về bình đẳng giới vào các hội nghị giao ban công tác, hệ thống bài giảng chính thức trong các trường thuộc Bộ; nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách…

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, tổ chức và cá nhân trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Triển khai chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch công tác…

Hoàng Lan


Bài viết khác
Đối tác của chúng tôi
©Copyright by Tâm Đức Group - 2020. All right Reserved. Designed by Vicogroup.vn

0906.23.29.27

Chat Zalo