Công ty TNHH Cung Ứng Lao Động Tâm Đức

Nâng cao hiệu quả truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em

17/08/2021

TP Cần Thơ đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn với nhiều nội dung và hình thức phù hợp. Qua đó, tạo được sự quan tâm, đồng thuận của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và toàn xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em…

Hội thi tiểu phẩm phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em năm 2020, do Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ tổ chức, thu hút đông đảo trẻ em trên địa bàn tham gia.

Các cấp, các ngành đã tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; kết hợp giữa truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp, chú trọng và tập trung tại các địa bàn nông thôn, địa bàn ven đô, địa bàn có tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cao, khu vực có nhiều lao động nhập cư. Nổi bật như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp các địa phương, trường học trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực cán bộ cung cấp dịch vụ, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên; truyền thông chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em là học sinh các trường THCS trên địa bàn. Lê Mỹ Quyên, học sinh Trường THCS Long Tuyền, quận Bình Thủy, chia sẻ: “Tham gia các lớp tập huấn, truyền thông, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB), em được giao lưu, học hỏi và bổ sung nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích. Từ đó, em từng bước nâng cao kỹ năng phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân và tuyên truyền cho các bạn ngày một tốt hơn”.

Song song đó, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương lồng ghép tổ chức các hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt CLB; xây dựng pa-nô, áp - phích, tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng, băng rôn, khẩu hiệu; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự trên đài, báo, tạp chí Trung ương và địa phương, Cổng Thông tin điện tử của thành phố; phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn... Một hình thức truyền thông khác là tổ chức các hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật liên quan trẻ em; hội thi vẽ tranh phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; cuộc thi viết “Ước mơ của em”; hội thi tiểu phẩm phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hội thi thực hiện video clip “Điều con muốn nói”…

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, từng sở, ban, ngành, địa phương, hội đoàn thể liên quan cụ thể hóa công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng vào những kế hoạch, chương trình, hoạt động, lồng ghép triển khai hiệu quả, rộng khắp trên địa bàn. Tiêu biểu như: ban hành quy chế hoạt động, kiện toàn Ban Điều hành và Tổ chuyên viên giúp việc Ban Điều hành bảo vệ và chăm sóc trẻ em TP Cần Thơ; thành lập CLB tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp thành phố; ra mắt thí điểm CLB “Quyền trẻ em”; Viện Kiểm sát Nhân dân - Tòa án Nhân dân - Công an - Sở LĐ-TB&XH - Hội LHPN thành phố ký kết quy chế phối hợp giải quyết án xâm hại tình dục trẻ em… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương trong thành phố tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em với nội dung, hình thức phong phú, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Trong đó, chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, trợ giúp pháp lý cho trẻ em, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân; lồng ghép nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả trong chương trình giáo dục tin học; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho cha, mẹ học sinh; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và những hủ tục lạc hậu đối với trẻ em; trang bị cho gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thường xuyên theo dõi, thống kê và kịp thời hướng dẫn, có biện pháp hỗ trợ, can thiệp hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM


Bài viết khác
Đối tác của chúng tôi
©Copyright by Tâm Đức Group - 2020. All right Reserved. Designed by Vicogroup.vn

0906.23.29.27

Chat Zalo