Công ty TNHH Cung Ứng Lao Động Tâm Đức

Khu công nghiệp ở TP.HCM đang chống dịch thế nào

01/07/2021

Một số doanh nghiệp đang chủ động cho nhân viên xét nghiệm Covid-19 và thực hiện phương án phòng dịch riêng, trong khi chờ TP xét nghiệm diện rộng.

Tối 28/6, Công ty A Plus Market (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chủ động cho 81 nhân viên đến khám tại Bệnh viện FV (quận 7). Kết quả xét nghiệm cho thấy 20 người trong số này nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thực tế, việc doanh nghiệp tự bỏ chi phí cho nhân viên xét nghiệm Covid-19 hiện không hiếm, bởi hiện tại, kế hoạch triển khai xét nghiệm tầm soát diện rộng cho toàn dân của TP.HCM vẫn chưa hoàn thành.

Chạy vạy để được xét nghiệm, tiêm vaccine

Mấy ngày nay, chị Yến, nhân viên phòng nhân sự của một doanh nghiệp có trụ sở ở TP Thủ Đức (TP.HCM), tất bật chạy đi lại giữa công ty và phòng y tế TP vì doanh nghiệp vừa có một F1 phải đưa đi cách ly sau khi tiếp xúc với khách hàng dương tính SARS-CoV-2.

Khi xảy ra trường hợp này, công ty mới được thông báo lập danh sách để chính quyền bố trí xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên.

“Tôi đã gửi danh sách 3 ngày trước nhưng vẫn chưa nhận được thông báo ngày giờ xét nghiệm. Tâm lý của hơn 200 nhân viên hiện rất lo lắng, đi làm mà không biết có phải cách ly đột xuất không. Nhiều người cẩn thận còn đem cả quần áo khi đi làm để đề phòng trường hợp xấu”, chị Yến nói.

Nhiều doanh nghiệp phải đến khi có ca F0, F1 mới được xét nghiệm cho nhân viên. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chị cho biết công ty cũng có một chi nhánh ở quận Gò Vấp với hơn 100 nhân sự. Khi dịch diễn biến phức tạp, quận này phải áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 31/5, tiến hành xét nghiệm, tiêm vaccine, nhưng công ty lại không được quan tâm.

“Đợt đầu, chi nhánh công ty không được xét nghiệm. Cho đến vừa rồi, khi Gò Vấp tiến hành tiêm vaccine cho nhiều địa điểm, công ty có liên hệ đăng ký tiêm vaccine cho nhân viên thì chính quyền phường trả lời phải ưu tiên tiêm cho người dân trước, công ty tính sau, dù các nhân viên đều là người địa phương”, chị Yến cho biết.

Trong khi đó, anh Hưng, nhân viên kinh doanh tại một công ty có trụ sở ở quận 1 (TP.HCM) cũng cho hay, vì không nằm trong diện ưu tiên được tiêm vaccine nên người trong công ty phải tự thân vận động.

“Lãnh đạo công ty cũng phải tự tìm nguồn tiêm nhờ vào mối quan hệ riêng. Còn chúng tôi thì tìm đủ mọi cách, như đăng ký tiêm theo diện người thân của các công ty có trong danh sách tiêm chủng. Thậm chí, với những công ty quen biết, tôi phải dò hỏi xem công ty họ có thừa vài suất tiêm nào không thì xin vào danh sách chờ tiêm ngay”, anh Hưng nói.

Cách duy nhất để chủ động chống dịch

Trao đổi với Zing, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết đã được một số doanh nghiệp phản ánh về những tình trạng này. Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp cần thấu hiểu và chia sẻ với TP trong bối cảnh năng lực xét nghiệm còn có hạn và lượng vaccine không nhiều.

Về vấn đề xét nghiệm cho người lao động, ông đánh giá sự chủ động của các doanh nghiệp như Công ty A Plus Market là rất tốt, chung tay cùng TP chống dịch.

Hiện nay, UBND TP.HCM cũng đã có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tại tất cả quận, huyện, TP Thủ Đức từ 29/6 đến 10/7, trong đó tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại địa phương đang có nhiều ca nhiễm như quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh.

TP yêu cầu các đơn vị tự xét nghiệm nhanh Covid-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua bộ xét nghiệm nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần.

Người lao động ở Khu công nghệ cao TP.HCM được xét nghiệm Covid-19 khuya 29/6. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết đơn vị đang chuẩn bị kĩ lưỡng để triển khai xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ lao động vào 2 ngày 3-4/7 thì phát hiện một ca mắc tại Công ty Nidec Sankyo. Do đó, kế hoạch được đẩy lên thực hiện cấp tốc.

Ông cho biết ngày 29/6 đã cơ bản phong tỏa và lấy mẫu tất cả nhân viên ở Nidec, trong ngày 30/6 cố gắng hoàn thành với toàn bộ lao động các doanh nghiệp khác trong Khu công nghệ cao.

"Các doanh nghiệp đều nghiêm túc thực hiện 5K và các hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, cần phải hiểu đặc điểm của đợt bùng phát dịch bệnh lần này là những người nhiễm bệnh không có biểu hiện lâm sàng.

Do đó, cách duy nhất để đảm bảo thế chủ động là xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Chúng tôi sẽ tiến hành 7 ngày/lần cho toàn bộ người lao động theo hướng dẫn số 2787 của Bộ Y tế", ông Nguyễn Anh Thi nói với Zing.

Cách duy nhất để đảm bảo thế chủ động là xét nghiệm sàng lọc định kỳ

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM

Theo ông Chu Tiến Dũng, trong khi chờ được xét nghiệm, một số doanh nghiệp đã chủ động triển khai các phương án sản xuất, quản lý riêng. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp bố trí cho người lao động ở lại cơ sở.

"Tất nhiên, những giải pháp này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh họ sắp cạn kiệt nguồn lực sau 2 năm chật vật vừa qua, và các chi phí đầu vào của sản xuất đang tăng cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng TP đang có sự chia lửa hết mình, trên tinh thần thấu hiểu khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp", Chủ tịch HUBA đánh giá.

Ông dẫn chứng Nghị quyết mới đây của HĐND TP đã giảm một loạt phí, lệ phí cho doanh nghiệp, đồng thời chi trợ cấp cho một số đối tượng lao động gặp khó khăn vì Covid-19. Thậm chí, tất cả chương trình xúc tiến của doanh nghiệp như triển lãm, hội chợ... đều sẽ được TP hỗ trợ 100% chi phí.

Mặc dù vậy, ông nhìn nhận thiệt thòi nhất vẫn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, không thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất do không nằm trong diện ưu tiên tiêm vaccine - giải pháp được cho là căn cơ nhất hiện nay.

"Tuy nhiên TP đang có kế hoạch mở rộng đối tượng đến các cụm công nghiệp, hay các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực dịch vụ như bán lẻ thiết yếu, du lịch... Như vậy thì chủ yếu chỉ còn sót lại các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp, nhưng số này chiếm tỷ lệ thấp, vì đa số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chỉ làm dịch vụ", ông nói.

Do đó, ông cho rằng số lượng doanh nghiệp được ưu tiên tiêm vaccine đã khá nhiều. Vấn đề quan trọng nhất là có vaccine để tiêm hay không. "Chỉ cần nhìn vào số lượng lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thì đã thấy số liều vaccine TP.HCM được cấp vừa rồi là không đủ", ông nói thêm.

Chính vì vậy, theo ông, các doanh nghiệp nên bình tĩnh chờ đợi, nếu doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vaccine riêng thì càng tốt. Tuy nhiên, ông thừa nhận điều này hiện chưa khả thi, đến nay chưa doanh nghiệp nào tự mua được vaccine một cách chính thống.

Lan Anh


Bài viết khác
Đối tác của chúng tôi
©Copyright by Tâm Đức Group - 2020. All right Reserved. Designed by Vicogroup.vn

0906.23.29.27

Chat Zalo