Công ty TNHH Cung Ứng Lao Động Tâm Đức

Khi cán bộ rèn luyện phong cách gần dân

01/07/2021

Huyện Châu Thành (An Giang) đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới và có nền kinh tế phát triển bền vững.

Các cán bộ thị trấn Vĩnh Bình tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân ở ấp Vĩnh Thọ.

Ðể làm được điều đó, Ðảng bộ huyện Châu Thành đang tích cực nỗ lực xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội thiết thực, thực hiện nhiều phong trào, chương trình đối thoại mà cán bộ gần với dân hơn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Về những vùng quê như ở các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Lợi, An Hòa... chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ rệt về kết cấu hạ tầng. Mới ngày nào đường sá còn khó đi, nay cầu đường đồng bộ, giao thông phát triển, đời sống người dân theo đó cũng nâng lên. Hai bên tuyến đường, người dân trồng nhiều hoa, cây xanh cho nên con đường quê trở nên sinh động, dịu mát. Chúng tôi đến thị trấn Vĩnh Bình là đơn vị hành chính xa xôi nhất của huyện Châu Thành nhưng được đánh giá tốt từ việc giao tiếp, gần dân với mô hình "Ði từng ngõ, rõ từng nhà". Nói về mô hình này, chị Nguyễn Thị Mai Thu, Phó Bí thư Thị ủy Vĩnh Bình chia sẻ, năm 2019, Ban Dân vận Huyện ủy chọn Vĩnh Bình làm điểm thực hiện mô hình "Ði từng ngõ, rõ từng nhà" trong phong trào thực hiện Dân vận khéo. Thị trấn Vĩnh Bình đã thí điểm tại ấp Vĩnh Thọ với bảy tổ, trong đó, lực lượng nòng cốt là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện là tổ trưởng duy trì sinh hoạt định kỳ một lần/tháng. Các tổ sẽ gần gũi người dân, nắm rõ hoàn cảnh kinh tế từng hộ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân để từ đó báo cáo lên cấp trên để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, tuyên truyền người dân thực hiện bảo vệ môi trường, vận động người dân và con em của họ không mắc tệ nạn xã hội và tố giác tệ nạn, cảnh giác với các loại tội phạm, tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ trưởng tổ 9, ấp Vĩnh Thọ Trần Thị Ánh Thu bày tỏ: Các tổ gần gũi người dân cho nên mối liên hệ gắn bó giữa cán bộ với dân đã tạo dựng được lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, chính quyền địa phương. Khi có người lạ xuất hiện người dân thông báo ngay để cán bộ nắm rõ, làm việc với đối tượng đề phòng dịch bệnh hay trộm cắp; hoặc nhà nào đó có người bệnh, người nghèo, người dân cũng thông báo để cán bộ thăm hỏi, động viên. Bà Ánh Thu cho biết, gần đây khi một số người tụ tập chơi cờ bạc, người dân đã gọi điện báo ngay để xử lý, vừa giữ trật tự địa phương, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Bí thư Thị ủy Vĩnh Bình Nguyễn Thị Mai Thu nhấn mạnh: Ðiểm nhấn trong tổ chức thực hiện mô hình trên đó là việc nắm bắt thông tin, phản ánh dư luận kịp thời và cụ thể, chính xác. Ðồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động, xử lý, hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Với kết quả thành công của mô hình "Ði từng ngõ, rõ từng nhà", Ðảng ủy thị trấn Vĩnh Bình đã mở rộng từ bảy tổ lên đến 30 tổ tại các khóm Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước với tổng số quản lý gồm 673 hộ. Người dân đã tin tưởng phản ánh các vấn nạn tiêu cực để chính quyền có biện pháp khắc phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo UBND thị trấn Vĩnh Bình, trong năm 2020, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 56,3 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2015; công tác an sinh xã hội được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,17%.

Theo Ðảng ủy huyện Châu Thành, tại huyện có nhiều mô hình như đối thoại với nhân dân, diễn đàn "Lắng nghe dân nói", "Tự quản về an toàn giao thông", "Camera an ninh"… đều được người dân hoan nghênh, nhất là khi cán bộ thay đổi phong cách, gần dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân. Trong năm 2020, toàn bộ 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành đều tổ chức diễn đàn "Lắng nghe dân nói" với hàng trăm ý kiến của người dân phản ánh các vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… đều được cán bộ địa phương giải đáp rõ ràng. Như mới đây, khi nghe người dân xã Cần Ðăng lo ngại việc di dời chợ Cần Ðăng sang trung tâm thương mại thì lãnh đạo huyện Châu Thành đã trả lời các thắc mắc để người dân hiểu và đồng tình ủng hộ. Nông dân Nguyễn Văn Mạnh, ngụ xã Vĩnh Lợi chia sẻ, khi người dân phản ánh có nhiều tuyến đường xã xuống cấp, nhiều hộ nhà nghèo không tiền xây nhà mới, cán bộ xã Vĩnh Lợi đã lắng nghe và thực hiện sửa đường, người dân nghèo cũng được xã vận động các nhà hảo tâm giúp xây nhà mới.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Phước Dũng thông tin, đến cuối năm 2020 huyện có 5 trong tổng số 11 xã đã được UBND tỉnh An Giang công nhận xã đạt chuẩn "xã nông thôn mới"; có một xã đã được công nhận xã đạt chuẩn "xã nông thôn mới nâng cao". Huyện phấn đấu đến năm 2023 có thêm sáu xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đến năm 2024 đạt "huyện nông thôn mới" và có ba xã đạt chuẩn "xã nông thôn mới nâng cao"; thu nhập bình quân người dân nông thôn đến năm 2025 đạt 75 triệu đồng/người/năm. Ðể đạt được mục tiêu đề ra, Ðảng bộ huyện tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các mô hình do các hội, đoàn thể, các ngành phát động; tạo sự chuyển biến rõ nét nhận thức và hành động việc giữ vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao vai trò hoạt động của các tổ chức đoàn thể tại địa bàn xã; phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, nghiên cứu ứng dụng các mô hình mới tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Bài và ảnh: THANH DŨNG


Bài viết khác
Đối tác của chúng tôi
©Copyright by Tâm Đức Group - 2020. All right Reserved. Designed by Vicogroup.vn

0906.23.29.27

Chat Zalo