Quê ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Cần Thơ, bác sĩ Lâm NaRa được tuyển vào làm việc ở Khoa Nội-Tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 121. Trong thời gian công tác, anh được cử đi học các lớp bồi dưỡng về kỹ thuật nội soi ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và hoàn thành chương trình học chuyên khoa 1 vào năm 2019. Hoàn cảnh của Thiếu tá, bác sĩ Lâm NaRa rất khó khăn, bố bị tai biến, mẹ sức khỏe yếu, vợ bị ung thư mất năm 2018, một mình anh gồng gánh nuôi hai con nhỏ. Thiếu tá Lâm NaRa chia sẻ: “Trong thời gian vợ tôi bị bệnh, Ban giám đốc bệnh viện đã quan tâm, tạo điều kiện cho tôi về thời gian, hỗ trợ chi phí điều trị. Vào những dịp lễ, tết, lãnh đạo bệnh viện thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên để tôi vượt qua khó khăn. Không những vậy, bệnh viện còn tạo điều kiện cho tôi đi học để nâng cao trình độ. Là người dân tộc Khmer, tôi thấu hiểu được sự khó khăn của đồng bào, nhất là những hạn chế về tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên đã luôn cố gắng làm tốt trách nhiệm của một người thầy thuốc”.
Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa 1 Lâm NaRa (bên trái) mổ nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa I, Trung tá Kim Thanh Hùng, Phó chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Quân y 121 là một trong những cán bộ được ưu tiên giải quyết nhà ở công vụ và nhiều chính sách đãi ngộ trong đào tạo. Trung tá Kim Thanh Hùng cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà các y, bác sĩ người dân tộc Khmer ở đây đều được Ban giám đốc bệnh viện quan tâm về mọi mặt, từ đời sống cho đến tạo điều kiện đi đào tạo, bồi dưỡng. Từ sự quan tâm kịp thời này càng tạo động lực cho chúng tôi nỗ lực nhiều hơn trong công tác điều trị bệnh nhân và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
Từ khi còn nhỏ, Thượng úy QNCN Thạch Triêng, điều dưỡng ở Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Quân y 120 đã ước mơ trở thành thầy thuốc để chữa bệnh cho đồng bào mình, nhất là trong điều kiện y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại địa phương lúc bấy giờ còn hạn chế. Năm 2001, anh nhập ngũ và được cử đi đào tạo y sĩ tại Trường Trung cấp Quân y 2 (nay là Trường Cao đẳng Hậu cần 2, Tổng cục Hậu cần), sau đó học lớp điều dưỡng và về công tác tại Bệnh viện Quân y 120. Trong năm 2021 này, Thượng úy QNCN Thạch Triêng sẽ hoàn thành chương trình học cao đẳng điều dưỡng. Toàn bộ học phí của anh đều được bệnh viện hỗ trợ. Thượng úy QNCN Thạch Triêng bày tỏ: “Với sự phát triển của ngành y, đặc biệt là yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao nên việc học tập nâng cao trình độ là nhu cầu cấp thiết. Được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện cho đi đào tạo là cơ hội để tôi ngày càng hoàn thiện về chuyên môn và tiếp cận được nhiều kiến thức hiện đại, làm cơ sở để phục vụ bệnh nhân tốt hơn”.
Đại tá Đặng Tiến Phước, Chính ủy Bệnh viện Quân y 121 cho biết: “Thời gian qua, bệnh viện luôn quan tâm đặc biệt đến các bác sĩ, điều dưỡng là người dân tộc Khmer bằng nhiều chính sách đãi ngộ thiết thực, như: Ưu tiên nhà ở công vụ, tạo điều kiện và hỗ trợ học phí bồi dưỡng, đào tạo chứng chỉ chuyên môn, thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, tết, cho vay vốn giúp gia đình làm kinh tế... Đáp lại sự quan tâm này, các y, bác sĩ luôn nỗ lực trong công tác, không ngại khó ngại khổ, hết lòng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân”.
Phát huy vai trò của đội ngũ y, bác sĩ người dân tộc Khmer là một trong những nhiệm vụ được Bệnh viện Quân y 120, Bệnh viện Quân y 121 thực hiện hiệu quả thời gian qua. Nhờ vậy, đã góp phần làm tốt công tác dân tộc, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng vững mạnh, nâng cao chất lượng khám, điều trị cho quân và dân trên địa bàn.
Bài và ảnh: HỮU TÀI
0906.23.29.27