Chị Nguyễn Thanh Hồng, ngụ tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (bên phải) đan dây nhựa tại gia đình. Ảnh: CTV
Không may bị khuyết tật bẩm sinh ở chân nhưng chị Nguyễn Thanh Hồng, ngụ tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền luôn có ý chí vươn lên và khát khao tìm được công việc phù hợp để giúp đỡ gia đình. Sau khi được tham gia học lớp nghề đan dây nhựa tổ chức tại địa phương, chị Hồng đã mạnh dạn tìm doanh nghiệp để liên kết nhận sản phẩm về gia công tại nhà, thành lập Tổ đan dây nhựa Hồng Thắm vào đầu năm 2021. Hiện nay, tổ đan dây nhựa chuyên nhận gia công đan mặt bàn, ghế nhựa… với 6 thành viên tham gia, đa số là người khuyết tật và lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương.
Chị Hồng chia sẻ: “Mong muốn của tôi là tạo được điều kiện để chị em có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Chính vì vậy, tôi dạy nghề miễn phí và nhận hàng gia công tại doanh nghiệp liên kết, phân phát lại cho chị em. Lợi thế của công việc này là chị em có thể mang hàng về nhà gia công, vừa tiện lợi trong việc nội trợ gia đình vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi”. Là một trong số các thành viên của tổ đan dây nhựa, chị Nguyễn Kim Thanh, ngụ tại phường An Thới, quận Bình Thủy, chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật 2 chân dạng nặng nên gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm. Từ khi tham gia vào tổ đan dây nhựa, tôi được chị Hồng hướng dẫn dạy nghề và giúp tôi có công việc ổn định. Nhờ đó, mỗi ngày, tôi kiếm được từ 50.000-60.000 đồng tiền gia công và còn được chị Hồng hỗ trợ cả tiền ăn trưa. Với tôi, đây không chỉ là công việc giúp có thu nhập ổn định mà qua đó còn khiến tôi vui vẻ, thoải mái, không còn cảm giác mặc cảm khi được làm việc cùng nhiều chị em đồng cảnh ngộ như mình”. Theo nhiều thành viên của tổ, nghề đan dây nhựa dễ học, dễ làm. Tùy theo kích cỡ mặt hàng, bình quân mỗi thành viên có thể đan từ 6-7 sản phẩm/ngày, với mức tiền gia công khoảng 15.000-24.000 đồng/sản phẩm. Chỉ cần siêng năng, chịu khó, các chị em có thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng, giúp trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, hiện nay, hoạt động của tổ vẫn được duy trì, giúp cho các thành viên viên có việc làm ổn định.
Đồng hành cùng nhiều phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, Hội NKT TP Cần Thơ cùng các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, như: duy trì và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế, lồng ghép sinh hoạt mô hình với hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay… Riêng năm 2020, từ nguồn tài trợ của các tổ chức, Hội NKT TP Cần Thơ đã giúp 92 lượt hội viên vay vốn kinh doanh và sản xuất nhỏ tại gia đình với số tiền trên 617 triệu đồng. Đồng thời, Hội cũng duy trì hoạt động tổ hùn vốn xoay vòng, giúp nhiều lượt chị vay. Với các nguồn vốn này, hội viên người khuyết tật có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế nhỏ lẻ tại gia đình, như: đan các tặng phẩm dân gian, chằm nón lá,… Để tăng cơ hội việc làm đối với phụ nữ khuyết tật, Hội NKT TP Cần Thơ còn phối hợp, hỗ trợ giới thiệu nhiều hội viên đến làm việc tại cơ sở, doanh nghiệp; tích cực đăng tải, giới thiệu các sản phẩm do hội viên tự trồng, sản xuất và phân phối như: trái cây, rau quả hữu cơ, trứng gà vịt và đồ chế tác từ gỗ… trên mạng xã hội.
Cùng với hoạt động hỗ trợ của Hội NKT TP Cần Thơ, các cấp các ngành cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm phù hợp cho người khuyết tật. Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhiều người khuyết tật được miễn giảm học phí. Hằng tháng, thành phố cũng chi trợ cấp cho trên 19.000 đối tượng bảo trợ xã hội là người khuyết tật. Các cấp Hội LHPN TP Cần Thơ cũng nỗ lực hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm… cho nhiều phụ nữ khuyết tật.
Thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành góp phần đảm bảo quyền cho phụ nữ yếu thế, giúp các chị tự lực vượt qua rào cản khó khăn của bản thân, hòa nhập tốt với cộng đồng. Qua đó, hướng đến thực hiện tốt phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”, chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Kiến Quốc
0906.23.29.27