Công ty TNHH Cung Ứng Lao Động Tâm Đức

Bổ sung thêm hai mũi nhọnchống dịch ở Bình Dương

30/06/2021

Bổ sung thêm hai mũi nhọnchống dịch ở Bình Dương

Ngày 29/6, Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế đã tái kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong khu công nghiệp (KCN) và khu cách ly trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua đó, phối hợp cùng tỉnh Bình Dương xây dựng các phương án phòng chống dịch COVID-19.

Trong cuộc kiểm tra tại Công ty TNHH Điện tử thông minh TCL Việt Nam, đại diện công ty cho biết, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh xâm nhập, như: Công nhân thực hiện khai báo điện tử, đo thân nhiệt, sát khuẩn trước khi vào phân xưởng.

Công nhân tại Công ty TNHH Điện tử thông minh TCL Việt Nam vừa chống dịch vừa sản xuất. Ảnh: H.T

Tại khu vực nhà ăn, đã được lắp ráp các vách ngăn, thực hiện chia ca ăn và giãn cách trong giờ ăn. Công ty cũng đã xây dựng phòng cách ly tạm thời, trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ, nước sát khuẩn cho người lao động.

Hiện nay công ty có khoảng 1.500 người lao động, phần lớn người lao động đều sinh sống gần công ty, chỉ có một bộ phận nhỏ người lao động ở bên ngoài trong các khu nhà trọ. Để đảm bảo vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất công ty đã thuê 2 khách sạn đưa công nhân từ các khu nhà trọ bên ngoài vào sinh sống, mỗi người một phòng riêng. Các chuyên gia nước ngoài được bố trí ở trong KTX.

Công ty cũng đã xây dựng phương án nếu có F0 trong phân xưởng. Theo đó, công ty đã mua các túi ngủ cho công nhân, sẵn sàng các điều kiện ăn, nghỉ cho công nhân trong trường hợp bất ngờ “nội bất xuất – ngoại bất nhập”.

Cũng trong ngày 29/6, Đoàn đã kiểm tra tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Dương, về các công tác tiếp nhận phân luồng người cách ly, sơ đồ bố trí các khu vực trong khu cách ly, công tác kiểm tra, giám sát, hậu cần, khử khuẩn…

Đoàn kiểm tra tại khu cách ly tập trung Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP Thuận An)

Làm việc với Sở Y tế tỉnh Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cho biết, đặc thù của người lao động là sinh sống ở bên ngoài KCN, trong các khu dân cư, khu nhà trọ. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, cần khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các khu KTX trong nhà máy và đưa công nhân vào, hoặc thuê các KTX cho người lao động để vừa chống dịch vừa đảm bảo an toàn sản xuất.

Được biết, tại Bình Dương đang có 1,2 triệu công nhân đang làm việc tại 29 KCN. Trong đó, có 4 KCN đã có những công ty xất hiện những ca bệnh COVID-19.

Tại đây, ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng tham mưu cho UBND và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh để thực hiện 2 việc.

Thứ nhất: thành lập 100 tổ kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong KCN. Thành phần 100 tổ này do Ban quản lý KCN phối hợp cùng các ban ngành liên quan xây dựng. Mỗi tổ từ 3-4 người và được giao nhiệm vụ, phạm vi cụ thể. Ngay sau khi thành lập cần triển khai nhanh việc kiểm tra đánh giá toàn bộ các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Các công ty, đơn vị được đánh giá theo 15 tiêu chí, thang điểm 300 điểm (đoàn đã được tập huấn sử dụng bảng điểm vào ngày 21/6 vừa qua). Từ 3-5 ngày các tổ phải nhanh chóng hoàn tất việc kiểm tra, đánh giá để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hiệu quả phòng chống dịch đạt mức cao nhất.

Đoàn làm việc với Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Ảnh: H.T

Thứ hai là thành lập tổ kiểm tra ngay trong khu cách ly tập trung. Mỗi ngày tổ này thực hiện kiểm tra 1 lần, đảm bảo các yêu cầu về giãn mật độ, giám sát phòng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Các khu cách ly có F0 cần phải tăng cường xét nghiệm để sàng lọc liên tục.

Theo ông Nguyễn Đình Trung - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, việc điều động nhân lực đảm nhận nhiệm vụ ở các tổ này cần có sự chủ động từ Ban quản lý KCN, Ban quản lý khu cách ly tập trung. Đối với nhân viên y tế sẽ hỗ trợ trong công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho nhân lực, quá trình kiểm tra, giám sát, đánh giá cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Nội dung đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở lao động dựa trên 15 tiêu chí, tổng điểm 300 điểm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ được phân loại 5 nhóm nguy cơ lây nhiễm gồm:

Rất ít nguy cơ: Cơ sở xếp loại ở nhóm dưới hoặc bằng 15% (tương đương 45/300 điểm). Tuy nhiên vẫn thường xuyên duy trì và đánh giá nhằm đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch.

Nguy cơ lây nhiễm thấp: Cơ sở đạt 16-30% (tương đương 46-90 điểm). Cơ sở được hoạt động nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế ở chỉ số thành phần cao nhất.

Nguy cơ lây nhiễm trung bình: Cơ sở đạt 31-51% (tương đương 91-153 điểm). Cơ sở có thể hoạt động với điều kiện phải thường xuyên đánh giá và khắc phục các chỉ số cao nhất.

Nguy cơ lây nhiễm cao: Cơ sở từ 51-80% (tương đương 154- 240 điểm). Phải có ngay giải pháp khắc phục các tồn tại để giảm thiểu nguy cơ. Nếu không phải tạm dừng hoạt động.

Nguy cơ lây nhiễm rất cao: từ 81-100% (241-300 điểm). Nên dừng hoạt động và thực hiện ngay giải pháp khắc phục các tồn tại để giảm thiểu nguy cơ.

Hoài Thương


Bài viết khác
Đối tác của chúng tôi
©Copyright by Tâm Đức Group - 2020. All right Reserved. Designed by Vicogroup.vn

0906.23.29.27

Chat Zalo