Công ty TNHH Cung Ứng Lao Động Tâm Đức

Bản lĩnh Kỹ năng quyết định thành công

20/10/2021

'Vai trò, vị thế của đại biểu, của HĐND được khẳng định hay không phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động giám sát và chất vấn. Nhưng để đạt được điều này, ngoài việc dám nói thẳng, nói thật và dám 'đụng chạm' thì mỗi đại biểu phải tự trang bị cho mình các kiến thức về luật, về lĩnh vực mình chất vấn một cách sâu, chắc…' PGS.TS Bùi Đức Thụ, nguyên Phó trưởng ban Công tác đại biểu chia sẻ.

- Là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động dân cử, ông có thể chia sẻ những bí quyết để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và chất vấn cho các đại biểu HĐND, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, trong hoạt động giám sát, các đại biểu không chỉ giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương mà còn giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của 2 chủ thể: Quyết định của UBND và Nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp. Ngoài ra, đại biểu còn có nhiệm vụ giám sát giải quyết các khiếu nại tố cáo, các kiến nghị của công dân. Trong mỗi nhiệm vụ lại có những kỹ năng riêng, nếu làm tốt, sẽ gúp đại biểu khẳng định vị thế của bản thân và góp phần đổi mới hoạt động của HĐND cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội tại địa phương.

Đối với hoạt động chất vấn, để làm tốt nhiệm vụ này, ngoài hiểu biết của đại biểu về lĩnh vực chất vấn thì đại biểu phải có bản lĩnh để dám nói thẳng, nói thật và dám đụng chạm tới vấn đề “nhạy cảm” để cá thể hóa trách nhiệm; thậm chí, chất vấn đến cùng để buộc cơ quan chức năng phải xử lý pháp luật với các sai phạm (nếu có), nhằm tạo môi trường pháp lý lành mạnh cũng như nâng cao chất lượng của đại biểu và HĐND. Ngược lại, nếu thiếu bản lĩnh, đại biểu khó có thể đưa ra những câu hỏi đúng người, đúng việc, đúng vấn đề.

Cùng với đó, việc am hiểu luật pháp, các trình tự thẩm tra, giám sát theo quy định của pháp luật là vấn đề mà mỗi đại biểu phải nắm chắc. Nếu như câu trả lời chưa thuyết phục các đại biểu hoàn toàn có quyền tranh luận theo quy định của pháp luật để đi đến tận cùng của vấn đề. Và như vậy, nếu thiếu hụt một trong hai thứ là kiến thức pháp luật hoặc bản lĩnh chính trị thì đều không làm được.

PGS.TS Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu

- Ông có thể nói rõ hơn về sự bổ trợ của hoạt động thẩm tra báo cáo, tham vấn, tiếp xúc cử tri trong hoạt động giám sát và chất vấn?

- Như chúng ta đều biết, các đại biểu đến từ nhiều ngành nghề trong xã hội và có chuyên môn ở những lĩnh vực khác nhau. Các đại biểu cũng chỉ nắm sâu về những vấn đề thuộc chuyên ngành của họ nên việc tiếp xúc, tham vấn cử tri, chuyên gia là điều vô cùng quan trọng. Hoạt động này không chỉ giúp cho các đại biểu hiểu rõ hơn về các lĩnh vực trong cuộc sống mà còn giúp họ thu thập các bằng chứng, kiến nghị để nhìn rõ hơn bản chất của những vấn đề tồn tại.

Khi đại biểu nắm chắc vấn đề thì các hoạt động trong nhiệm vụ giám sát, thẩm tra, chất vấn, mới thực sự có chất lượng. Nói một cách khác, các nhiệm vụ, kỹ năng được quy định trong công tác đại biểu HĐND đều có sự liên quan mật thiết, bổ trợ lẫn nhau.

Tôi cho rằng, kỹ năng giám sát là tổng hợp của nhiều yếu tố, đầu tiên là sự nỗ lực nghiên cứu, tiếp cận vấn đề, phân tích vấn đề… Điều này phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh, cơ chế phối hợp của đại biểu với các cơ quan. Các vấn đề tồn tại ở địa phương là tổng thể của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng để có được phương án giải quyết thì cần có cơ chế phối hợp theo chức năng nhiệm vụ. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải hỗ trợ và cùng với đại biểu, minh bạch thông tin thì mới đưa ra phương pháp giải quyết dứt điểm vấn đề.

- Theo ông, Nhà nước và các địa phương cần có thêm những quy định gì để đại biểu HĐND phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát và chất vấn?

- Chúng ta phải nhận diện rõ những khó khăn, đầu tiên là kinh nghiệm của các đại biểu thay đổi theo từng nhiệm kỳ. Những nhiệm kỳ gần đây, số đại biểu tái cử chiếm khoảng 1/3 còn 2/3 là đại biểu mới. Những đại biểu lần đầu tham gia có thể rất giỏi về lĩnh vực chuyên môn của mình và có thành tích cao trong quản lý điều hành ở một lĩnh vực nào đó nhưng lại chưa có kinh nghiệm hoạt động HĐND. Nói cách khác, kỹ năng làm đại biểu là vấn đề mới nhưng lại không có một trường lớp nào đào tạo chính quy ngoài các lớp tập huấn ngắn ngày. Điều này dẫn tới những đại biểu mới vừa thiếu kiến thức vừa thiếu kỹ năng ở các lĩnh vực ngoài chuyên môn của họ.

Để khắc phục điều này, trước hết là phải giúp các đại biểu HĐND tiếp cận được thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội, văn hóa… tại địa phương. Đó không chỉ là đời sống, sản xuất, kinh doanh mà còn là công tác quản lý điều hành ở từng lĩnh vực; và đại biểu phải nhận định được thành công cũng như khó khăn vướng mắc; nguyên nhân của thành công hay vướng mắc đó.

Tôi cho rằng, điều cơ bản là đại biểu phải đủ kiến thức để nhận định được điều gì đúng, điều gì sai; điều gì trước đây là đúng nhưng thực tiễn thay đổi nên không còn phù hợp; điều gì đúng nhưng chưa phù hợp với năng lực quản lý của các cấp, các ngành tại địa phương… để từ đó tham mưu những giải pháp giúp hoàn thiện bộ máy quản lý, công tác điều hành. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có cơ chế hỗ trợ, ví dụ như văn phòng làm việc, sử dụng chuyên gia tư vấn. Cùng với đó, cũng cần thiết lập rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan trong các vấn đề tồn tại mà đại biểu HĐND phát hiện.

Nếu chúng ta làm được tất cả các điều trên thì cá nhân từng đại biểu và tập thể HĐND sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của mình, trong đó có hoạt động giám sát.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Tùng Dương - Hoàng Yến


Bài viết khác
Đối tác của chúng tôi
©Copyright by Tâm Đức Group - 2020. All right Reserved. Designed by Vicogroup.vn

0906.23.29.27

Chat Zalo